Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015 - phiên đối thoại giữa Chính phủ và khu vực doanh nghiệp tư nhân - vào đầu tuần này đã chứng kiến sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sáu thành viên Chính phủ. Một động thái hiếm thấy.
Năm 2015: cột mốc đặc biệt trong tiến trình hội nhập
Thủ tướng thông báo, Việt Nam sẽ hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do. Đây là nền tảng quan trọng tạo ra thị trường và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cả doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI. Đây là điều mà hầu hết đại diện doanh nghiệp vui mừng.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Sherry Boger cổ vũ: “Trước hết, chúng ta thấy rằng Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế với Mỹ nói riêng”. Bà ước tính, năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia tăng 20%, đạt 36,3 tỉ đô la Mỹ và tính đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 72 tỉ đô la nếu xu thế này vẫn tiếp tục duy trì và có thể cao hơn nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Bên cạnh đó, năm 2014, Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho thị trường Mỹ đứng đầu ASEAN, trên cả Malaysia và Thái Lan. Việt Nam chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ, và có thể đạt 30% vào năm 2020.
Với TPP, bà Boger khẳng định, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4%. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến của Việt Nam năm 2025 có thể tăng lên 307 tỉ đô la nếu có TTP, cao hơn nhiều so với ước tính 239 tỉ đô la khi không có TPP. Về tăng trưởng, theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam là 7,4% trong giai đoạn 1990-2007, và dự báo đạt 5,6% trong giai đoạn 2008-2018. Nếu có TPP, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể cao hơn 10,5% so với tốc độ tăng trưởng khi không có TPP.
Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Tomaso Andreatta khẳng định thêm: “Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hy vọng Việt Nam và EU sẽ đàm phán thành công một hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện, vì lợi ích của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Chúng tôi tin rằng việc ký kết FTA này sẽ giúp Việt Nam thành công trong việc cải cách nền kinh tế, từ đó gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế và khuyến khích trao đổi thương mại ở phạm vi toàn cầu.
Lo doanh nghiệp trong nước ra rìa
Những quả ngọt hứa hẹn của hội nhập có vẻ ngoài tầm với của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, người đồng chủ trì VBF 2015, nói: “Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước”.
Ông Lộc khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng khu vực kinh tế cá thể đóng góp tới trên 33% GDP. Bên cạnh đó, có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Ông than thở: “Nền kinh tế Việt Nam đang thiếu trầm trọng các doanh nghiệp cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế”.
Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương lo âu: “Chỉ còn đúng sáu tháng nữa sẽ kết thúc năm, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như vẫn chưa chuẩn bị hành trang cho cuộc hội nhập, họ vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập, lo lắng cho những công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu”.
Ông Vương nói: “Một lần nữa xin khẳng định là các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang cảm nhận những thách thức lớn hơn bao giờ hết khi mà năm 2015 được xác định là năm hội nhập với rất nhiều hiệp định song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực”.
Bà Sherry Boger (AmCham) tỏ ra thông cảm: “Năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI”. Bà cho biết một khảo sát năm 2015, chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của doanh nghiệp này trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Những vấn đề muôn thuở
Cũng như nhiều diễn đàn VBF trước đây, các doanh nghiệp bày tỏ quan tâm tới hàng loạt rào cản kinh doanh như giấy phép lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm chạp, quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, hạn chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, hạ tầng yếu kém,… Trong số đó, nổi bật lên trong diễn đàn năm nay là kiến nghị miễn giảm thị thực cho các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.
Ông Ken Atkinson, đại diện của Nhóm công tác Du lịch, khẳng định Việt Nam thu được 11 triệu đô la Mỹ từ phí visa, song lại mất đi cơ hội có 200 triệu đô la Mỹ mà ngành du lịch sẽ được hưởng từ số khách du lịch gia tăng nếu miễn visa. Ông so sánh, năm 2014, Thái Lan đã miễn thị thực và lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia, và đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế; cùng lúc Malaysia đã đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia; Singapore đã đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và miễn thị thực cho 150 quốc gia.
Bà Sherry Boger (AmCham) nhấn mạnh thêm, Luật Xuất nhập cảnh của Việt Nam mới được sửa đổi hồi tháng 6-2014 và có hiệu lực vào ngày 1-1-2015 là “bước lùi đáng kể”. Bà phân tích, theo luật này, công dân Mỹ có kế hoạch đến thăm Việt Nam dưới hình thức visa Mỹ B-1 và B-2 sẽ được cấp visa có hiệu lực tối đa ba tháng, nhập cảnh một lần.
Điều này có nghĩa rằng, trong tương lai gần, đối ứng với quy định này, visa Mỹ cấp cho công dân Việt Nam là du khách tạm thời có thể bị giảm thời hạn hiệu lực từ một năm như hiện tại xuống còn ba tháng, và từ nhập cảnh nhiều lần thành nhập cảnh một lần. Bà khẳng định, điều này gây ra những trở ngại đáng kể cho hoạt động kinh doanh và du lịch giải trí hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ, và có thể làm sụt giảm nguồn thu lớn từ ngành du lịch.
Đáp lại sự ưu tư về visa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Việt Nam đã đơn phương miễn visa cho 16 quốc gia. Ông nói, Chính phủ đã yêu cầu xem xét mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia khác. Cùng với đó, Thủ tướng cũng giao nghiên cứu đơn giản thủ tục cấp visa, chấn chỉnh thủ tục cấp visa tại sân bay, visa quá cảnh, phí cấp visa. “Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ”, ông cam kết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi nghe tất cả các bài trình bày, khẳng định: “Tôi ghi nhận mọi ý kiến khuyến nghị, kiến nghị của quý vị”. Ông nói sẽ yêu cầu các bộ trưởng, theo lĩnh vực quản lý, xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền, và những vấn đề nào thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì trình Thủ tướng. Những luật nào còn vướng mắc cho các nhà đầu tư, thì Chính phủ sẽ cân nhắc xem xét trình Quốc hội sửa với tinh thần tạo “mọi thuận lợi” cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Tư Giang
Nguồn: TBKTSG
4,431,555
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn