Ngày 1/7/2015 đánh dấu một thời khắc quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới chính thức có hiệu lực, mở ra không gian rộng hơn nhiều cho quyền tự do kinh doanh.
“Đây là hai luật tốt nhất với doanh nghiệp từ xưa đến nay tại Việt Nam”, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói với Báo điện tử Chính phủ. Thế nhưng, dù những cải cách mang tính đột phá đã được khẳng định rõ ràng trong luật, thì việc thi hành vẫn là một thách thức không hề nhỏ…
Có thể cảm nhận phần nào thách thức ấy khi nhìn vào chương trình thảo luận của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 9/6 vừa qua. Tập kỷ yếu dày hàng trăm trang của Diễn đàn đã dành tới 1/4 cho chuyên đề riêng về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, chưa kể vấn đề còn được nhắc đến nhiều lần tại các chuyên đề khác.
Tranh cãi từ trong ra ngoài
Theo Bộ KHĐT, có tất cả 8 văn bản hướng dẫn 2 luật, nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có 1 Quyết định của Thủ tướng (hướng dẫn về doanh nghiệp công nghệ cao) đã được ban hành, còn 7 Nghị định vẫn đang được lấy ý kiến.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người chắp bút Luật Doanh nghiệp, thách thức đầu tiên trong việc thi hành 2 luật là làm sao để việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn phản ánh đầy đủ tinh thần tự do kinh doanh đã được xác lập.
Hàng trăm chi tiết mà các doanh nghiệp cho rằng không ổn đã được họ chỉ ra khi góp ý vào các dự thảo này. Chẳng hạn, theo nhóm luật sư công ty luật Allens Pte Ltd, thì việc dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư yêu cầu tổ chức kinh tế phải “nộp báo cáo cho cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê địa phương mỗi tháng về tiến độ thực hiện dự án đầu tư với thông tin chi tiết” là một nghĩa vụ “quá nặng nề và không cần thiết với doanh nghiệp”. Trong khi, việc báo cáo những vấn đề mà dự thảo Nghị định đặt ra đã được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đối với các cơ quan chuyên ngành như thuế, Sở LĐTBXH…
Có những vấn đề mà chính trong Bộ KHĐT cũng có ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, nếu như các lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vẫn bảo vệ quan điểm doanh nghiệp phải tự áp mã ngành như trong dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, thì vị Viện trưởng Nguyễn Đình Cung lại nhận xét, quy định này “vẫn có cái gì đó gờn gợn về tinh thần của Luật là được kinh doanh tất cả những gì luật không cấm”. Mạnh mẽ hơn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng quy định này đi ngược lại tinh thần cũng như không thể hiện được tính cải cách, đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 2014, quay trở lại quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Cũng về câu chuyện doanh nghiệp tự áp mã ngành, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lo ngại rằng “đôi khi cả một đạo luật phải dừng lại chỉ vì chờ một chi tiết như thế. Chi tiết nhỏ, nhưng là nút thắt cổ chai khiến bao nhiêu cải cách không đi qua được”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung lưu ý rằng điều này không có nghĩa là người soạn thảo không mong muốn tiếp nối tinh thần của Luật, mà đôi khi chỉ là do thói quen tư duy. “Những cuộc thảo luận như vậy không chỉ ở bên ngoài, ngay trong Bộ KHĐT cũng có những tranh luận không chỉ sôi nổi mà còn gay gắt nữa”, ông Cung thừa nhận.
“Rất thích nhưng vẫn sợ”
Cầm trên tay hai dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của 2 Luật, GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT nhận xét: Luật Doanh nghiệp rất dài, rất chi tiết, chỉ yêu cầu hướng vài điều, nên dự thảo Nghị định hướng dẫn rất ngắn. Ngược lại, Luật Đầu tư còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, thành ra dự thảo hướng dẫn rất dài.
Thế nhưng dù các dự thảo dài hay ngắn, thì nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng đều chung ý kiến rằng dự thảo còn chưa đề cập nhiều vấn đề mà theo họ là doanh nghiệp “không biết làm thế nào”.
Trong khi đó, tinh thần của Bộ KHĐT là sẽ không ban hành thêm các thông tư, chỉ hướng dẫn thêm về mẫu các văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh… Theo bộ này, thông tư chỉ quy định một trường hợp nào đó trong khi cuộc sống muôn hình vạn trạng, thông thay đổi liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh.
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản “hiểu rằng nếu cho phép Chính phủ ban hành quy định quá nhiều dẫn đến chồng chéo với quy định của luật do Quốc hội ban hành thì sẽ không hợp lý”, song họ vẫn cho rằng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Doanh nghiệp có phạm vi áp dụng quá hẹp khi chỉ quy định các vấn đề về doanh nghiệp xã hội, con dấu của doanh nghiệp và sở hữu chéo.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân nhỏ và vừa Việt Nam cũng dự đoán rằng các cơ quan quản lý nhà nước phải chuẩn bị tinh thần cho việc doanh nghiệp sẽ “hỏi rất nhiều”.
Trên thực tế, TS Nguyễn Đình Cung hết sức lo ngại trước khả năng doanh nghiệp không dám sử dụng quyền hiến định là “được làm những gì luật không cấm”. Luật đã trao rất nhiều quyền cho doanh nghiệp được tự chủ và sáng tạo, đó là một sự thay đổi mà doanh nghiệp “rất thích nhưng vẫn cứ sợ”.
Thế nhưng, không thể trách doanh nghiệp bởi theo ông Cung, các cơ quan nhà nước cũng rất có thể sẽ liên tục phát đi các công văn hỏi cấp trên rằng luật nói thế, nghị định không hướng dẫn thì làm thế nào?
Lý giải vấn đề này, LS Trần Hữu Huỳnh nhắc tới thói quen làm việc lâu nay. “Thực tế chứng minh không phải họ ngây thơ hay họ không hiểu. Tâm lý bao nhiêu năm nay là luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư lại chờ các bộ ra văn bản hướng dẫn. Cái này phải thay đổi”, ông Huỳnh nói với phóng viên.
Giải pháp, theo ông Cung, là tuân thủ triệt để quyền tự do kinh doanh. Theo đó, cần phải thay đổi quan niệm, các cơ quan nhà nước phải quản lý theo kết quả thực hiện, theo mục tiêu cần đạt được chứ không nên câu nệ quy trình, thủ tục như lâu nay. “Trong xã hội vô cùng đa dạng này, có rất nhiều cách để đi đến một kết quả, cũng không có cách nào mà phù hợp cho tất cả. Cơ quan nhà nước phải thay đổi để tạo không gian cho sự sáng tạo của chính mình và của doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Luật Doanh nghiệp sẽ có 4 văn bản hướng dẫn: Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị định về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định hướng dẫn về doanh nghiệp quốc phòng an ninh, và kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế; Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.
Luật Đầu tư có 4 văn bản hướng dẫn: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định hướng dẫn thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Nghị định hướng dẫn một số hình thức đầu tư gián tiếp như cổ phần, cổ phiếu, đầu tư trái phiếu, đầu tư thông qua các quỹ tài chính, định chế tài chính trung gian ở nước ngoài (dự thảo Nghị định do Ngân hàng Nhà nước chủ trì); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định các ngành công nghệ cao (đã được ban hành).
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hào Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KHĐT cho biết các Nghị định còn lại sẽ được trình để Chính phủ ban hành kịp thời điểm 1/7/2015. Tuy các văn bản này chưa thể có hiệu lực ngay (theo quy định chỉ có hiệu lực sau ít nhất 45 ngày kể từ ngày ký), song các luật đã quy định khá chi tiết, Bộ KHĐT sẽ sớm có hướng dẫn về các mẫu văn bản, khi đó các quy định mới về đầu tư và đăng ký doanh nghiệp về cơ bản đã có thể thi hành.
Nguồn: Internet
4,431,462
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn