Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định tất cả những vướng mắc liên quan đến Thông tư 20 quy định về nhập khẩu máy móc cũ “đã được tháo gỡ”.
“Chúng tôi đã lấy ý kiến rất nhiều bộ, ngành, DN, kể cả tham vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, mong muốn của bộ, ngành ở thời điểm đó là phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu thiết bị cũ vì ở giai đoạn đó có rất nhiều tình trạng DN vi phạm dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng”, Bộ trưởng nói.
Vì thế, Thông tư 20 đặt ra vấn đề là thiết bị không được quá 5 năm sử dụng, chất lượng còn lại trên 80%. Phải đáp ứng đồng thời cả 2 tiêu chuẩn đó thì mới được nhập khẩu. Chưa kể chúng ta còn quy định việc giám định nhập khẩu phải do các cơ quan có thẩm quyền chỉ định các tổ chức giám định. Hơn nữa, khâu giám định đánh giá chất lượng còn lại là rất khó khả thi.
“Với dự thảo thông tư mới, tất cả vấn đề đó đã được tháo gỡ”, Bộ trưởng khẳng định.
Đầu tiên, tuổi của thiết bị đã được nới ra, không phải 5 năm mà tới 10 năm. Trong những trường hợp đặc biệt, các bộ quản lý lĩnh vực đó có thể quyết định thời gian còn cao hơn cho phù hợp.
Việc giám định chất lượng còn lại thì chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Không phải đánh giá chất lượng còn lại mà đánh giá thiết bị đó dù được sản xuất ở đâu thì cũng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Nếu Việt Nam chưa có quy chuẩn đó thì phải tuân thủ tiêu chuẩn của các nước G7.
Cùng với đó, Thông tư mới cũng đơn giản hóa tối đa thủ tục thông quan. Nếu như chưa đầy đủ giấy tờ chứng minh tuổi thiết bị cũng như tiêu chuẩn sản xuất thì vẫn có thể đưa về kho bảo quản. Trong thời hạn quy định tại Luật Hải quan, sẽ nộp lại toàn bộ giấy tờ, sau đó mới được thông quan.
Chứng thư giám định đó cũng rất đơn giản, bất kể tổ chức giám định nào của Việt Nam đều có thể làm được bởi vì chỉ xác định thiết bị được sản xuất năm nào, theo tiêu chuẩn nào chứ không phải như trước đây phải giám định chất lượng còn lại.
Sau này, các cơ quan chức năng phát hiện có sự gian dối khi khai báo hoặc là có việc “chạy” chứng thư giám định, đã có điều khoản yêu cầu DN tái xuất thiết bị và chịu mọi tổn thất, chi phí. Đồng thời, DN có thể phải chịu thêm xử phạt vi phạm hành chính.
Trả lời câu hỏi liệu việc siết nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vô hình trung sẽ giúp cho DN của nước ngoài lân cận với nước ta chiếm lĩnh thị trường kinh doanh máy móc, Bộ trưởng chia sẻ: “Về câu hỏi này, tôi thấy là DN phải tự trả lời”.
Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới đã quy định các máy móc dù sản xuất ở bất cứ quốc gia nào nếu như phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của G7 thì mới đủ điều kiện nhập khẩu thiết bị đó vào Việt Nam.
“Cho nên, dù sản xuất ở các nước lân cận chúng ta, nhưng đã sản xuất theo tiêu chuẩn của G7, thì tôi tin là có chất lượng rất tốt. Chúng tôi cũng khuyến cáo DN Việt Nam, trong thời gian tới hãy cân nhắc trước khi nhập thiết bị đã qua sử dụng. Nếu như chúng ta dùng máy cũ, không thể tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Khi đó nhập thiết bị cũ là chúng ta tự hại mình. Chúng ta nên nhập thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển”, Bộ trưởng nói.
Thành Đạt
Nguồn: Diễn Đàn Cạnh Tranh Quốc Gia
4,272,637
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn