03 Tháng Mười 2023 ..:: DOANH NGHIỆP » Tin tức chung ::.. Đăng Nhập
 Xem chi tiết
9 điểm mới của Luật phá sản 2014
(Cập nhật: 24/01/2015 07:56:41)
Luật sư Hoa Sen. Luật phá sản 2014 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 13, thông qua ngày 19/06/2014, có hiệu lực từ 01/01/2015, có nhiều điểm mới so với Luật phá sản năm 2004.
 
1. Phạm vi áp dụng của luật phá sản:
 
Nếu như Luật phá sản 2004 quy định hiệu lực của Luật phá sản áp dụng “khi giải quyết phá sản đối với DN, HTX hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì Luật Phá sản năm 2014 đã thu hẹp phạm vi áp dụng chỉ đối với “DN, HTX được thành lập trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này rõ ràng magng tính thực tế và khả năng áp dụng cao hơn so với quy định cũ. Bởi lẽ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả các DN Việt Nam và DN nước ngoài có hoặc không có trụ sở đặt tại Việt Nam. Vì vậy, đối với các DN nước ngoài mà không có trụ sở, không có tài sản mà chỉ có một số hoạt động tại Việt Nam, khi mất khả năng thanh toán thì không thể áp dụng Luật Phá sản của Việt Nam để giải quyết.
 
2. Định nghĩa rõ ràng tình trạng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” và thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
 
Nếu như Luật Phá sản năm 2004 chỉ quy định chung chung “doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu coi là lâm vào tình trạng phá sản”, thì Luật Phá sản 2014 đã có những thay đổi theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn. Theo đó, tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 định nghĩa rằng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.” 
 
Như vậy, chỉ cần xác định là có khoản nợ và đến thời điểm tòa án quyết định việc mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn không thanh toán là tòa án có thể ra quyết định mở thủ tục phá sản. 
 
Việc bỏ từ “các” trong cụm từ “các khoản nợ” để thể hiện rõ tiêu chí mất khả năng thanh toán không phụ thuộc vào số lượng khoản nợ mà chỉ cần một khoản nợ. 
 
Bên cạnh đó, Luật Phá sản 2014 cũng không quy định giới hạn các khoản nợ. Điều này có thể hiểu là bất kỳ khoản nợ nào dù là nợ lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, khoản nợ phát sinh từ hợp đồng... thì chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
 
Thời hạn phải thanh toán là 03 tháng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa có khả năng thanh toán có thể tìm các phương án khác để thanh toán nợ đến hạn trước khi bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Quy định này phù hợp với kinh nghiệm lập pháp của một số nước khi cho phép con nợ có thời hạn trễ hạn thanh toán sau khi chủ nợ có yêu cầu đòi nợ, đồng thời khắc phục tình trạng lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía các chủ nợ như quy định cũ. 
 
Đồng thời Luật Phá sản năm 2014 cũng quy định rõ “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Tức là chỉ khi Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản thì DN, HTX đó mới bị coi là phá sản.
 
3.Về các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
 
So với luật cũ, Luật Phá sản năm 2014 quy định theo hướng mở rộng phạm vi và tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để đảm bảo quyền lợi của mình.
 
Trước đây trong Luật Phá sản 2004, người lao động phải nộp đơn thông qua đại diện, thì trong luật mới, người lao động có quyền tự mình nộp đơn mà không cần phải thông qua đại diện. 
 
Đối với công ty cổ phần, Luật Phá sản năm 2014 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn, trong Luật Phá sản mới vẫn giữ nguyên quy định này, đồng thời cũng cho phép cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn nếu điều lệ công ty có quy định.
 
4. Về thẩm quyền của Tòa án: 
 
Luật Phá sản năm 2014, quy định thẩm quyền của Tòa án theo cấp, theo lãnh thổ khác với quy định tại luật cũ, quy định theo hướng DN, HTX do cơ quan cấp nào cấp đăng ký kinh doanh thì do Tòa án cấp ấy có thẩm quyền giải quyết, do đó, Tòa án cấp huyện chỉ có quyền giải quyết thủ tục phá sản đối với HTX do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp, còn DN, HTX do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp thì do Tòa án cấp tỉnh xử lý. Do đó, thực tế đa phần Tòa án cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản đối với tất cả doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã thành lập trên địa bàn, còn Tòa án cấp huyện chỉ giải quyết thủ tục phá sản đối với Hợp tác xã. Việc căn cứ vào thẩm quyền đăng ký kinh doanh để quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án là hoàn toàn không phù hợp với các nguyên tắc pháp lý.
 
Khắc phục những khiếm khuyết đó, Luật Phá sản năm 2014 quy định theo hướng loại trừ, tức là trừ những vụ việc phá sản có tình tiết đặc biệt (có yếu tố nước ngoài, có địa điểm ở nhiều quận huyện khác nhau, hoặc tòa cấp tỉnh lấy lên giải quyết) thì còn lại, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với DN, HTX có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó (Điều 8).
 
Để đảm đảm bảo tính khách quan, Luật Phá sản mới bổ sung quy định về trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thẩm phán trong quá trình giải quyết phá sản. Đồng thời, Luật cũng bỏ quy định “Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó”. Vì theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng và hoạt động trong khuôn khổ luật doanh nghiệp. Tòa án cấp huyện đương nhiên có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của doanh nghiệp này, trừ khi nó có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài. 
 
5. Hội nghị chủ nợ:
 
Về hội nghị chủ nợ cũng có nhiều điểm mới, theo quy định của Luật Phá sản 2014, điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ chỉ căn cứ trên số nợ. Theo đó, số chủ nợ tham gia hội nghị chủ nợ không phải là điều kiện để coi hội nghị chủ nợ hợp lệ. Điều này có nghĩa là hội nghị chủ nợ có thể hợp lệ khi chỉ cần một chủ nợ tham gia mà đại diện cho ít nhất 51% số nợ không có bảo đảm. Mặt khác, việc tham gia có thể là không trực tiếp. Theo hướng này, điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ thông qua phương án thu hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng quy định chỉ theo số nợ. 
 
6. Quy định về quản tài viên
 
Một trong những điểm mới của Luật Phá sản năm 2014 (so với LPS 2004), đó là các quy định về Quản tài viên. Quản tài viên hiểu là người hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản. 
 
Quản tài viên là người đảm bảo các điều kiện quy định tại điều 12 Luật Phá sản: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. 
 
Những người được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gồm: Luật sư; Kiểm toán viên;Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.
 
Quản tài viên có quyền và nghĩa vụ được quy định tại điều 16 Luật Phá sản 2014, được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Quản tài viên được Thẩm phán thụ lý chỉ định, trong quá trình công tác có thể bị những người tham gia thủ tục phá sản yêu cầu thay đổi.
 
7.Quy định về tiền lãi đối với các khỏan nợ
 
Do Luật Phá sản 2004 chưa có quy định cụ thể về việc xác định khoản lãi đối với các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ mới phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản đã dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất về việc tính lãi đối với các khoản nợ, nên không bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản. Để khắc phục tình trạng này, Luật Phá sản 2014 đã bổ sung quy định về xác định tiền lãi đối với khoản nợ, theo đó, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, các khoản nợ vẫn được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định của Điều 86 Luật này, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 95 của Luật này, thì việc tạm dừng trả lãi chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện trả lãi theo thỏa thuận; đối với các khoản nợ mới phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản đến thời điểm tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì tiền lãi của các khoản nợ đó được xác định theo thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật; kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì các khoản nợ không được tiếp tục tính lãi.
 
8. Những quy định về lãnh đạo doanh nghiệp sau khi phá sản
 
Luật Phá sản quy định, sau khi DN bị tuyên bố phá sản, người giữ chức vụ giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của các công ty, tổng công ty 100% vốn nhà nước không được cử đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ DN nhà nước nào. Kể cả những người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở DN khác như công ty TNHH, công ty cổ phần... mà DN đó bị tuyên bố phá sản, thì cũng không được cử đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ DN nào có vốn của Nhà nước.
 
Đối với các chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của DN bị tuyên bố phá sản, thì không được quyền thành lập DN, không được làm người quản lý DN từ một đến ba năm kể từ ngày DN bị tuyên bố phá sản.
 
Tuy nhiên, Luật cũng quy định rõ các trường hợp sẽ không áp dụng các quy định trên, đó là trong trường hợp DN bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng.
 
9. Luật Phá sản 2014 cũng bổ sung một chương gồm 8 điều (từ điều 97 - 104) để quy định về việc phá sản đối với tổ chức tín dụng, theo đó quy định cụ thể về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bổ sung về phá sản có yếu tố nước ngoài như người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài; ủy thác tư pháp của tòa án nhân dân Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; hay thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định phá sản của tòa án nước ngoài...
 
Lotus Lawyers

Nguồn: Internet


Tin - Bài khác
Chế độ về ưu tiên hải quan đối với doanh nghiệp
Không nên quá hoang mang vụ tin đồn táo Mỹ nhiễm độc
Mua dự án 'bánh vẽ', khách hàng ngậm ngùi nuốt 'mật đắng'
Quy định bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có hiệu lực từ 01/03/2015
Sức ép sửa Thông tư 36 và một câu hỏi “nhạy cảm”
Vì sao 'đại gia' Tăng Minh Phụng thất bại đau đớn?
Trang 1 trong 1Đầu tiên    Trước   [1]  Tiếp   Cuối    
LIÊN KẾT WEBSITE
NGƯỜI DÙNG TRỰC TUYẾN
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 21
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 21

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4,431,545