03 Tháng Mười 2023 ..:: DOANH NGHIỆP » Tin tức chung ::.. Đăng Nhập
 Xem chi tiết
Hội thảo cải cách DNNN, Ông Tony Blair: “Không có chống đối là cải cách kém”
(Cập nhật: 05/03/2015 07:55:03)

(TBKTSG Online) - Cựu thủ tướng Anh Tony Blair đã đưa ra nhiều lời khuyên mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh gọi là “thiết thực và đáng giá” cho quá trình cải cách ở Việt Nam, tại hội thảo do hai ông làm chủ tọa tại Hà Nội hôm nay, ngày 4-3.

Thay đổi bao giờ cũng gặp chống đối

Ông Tony Blair cho biết, sau 10 năm làm Thủ tướng Anh, ông học được hai bài học quan trọng nhất về quản lý nhà nước, và khó khăn nhất với chính phủ. Thứ nhất, là nhận được ý tưởng tốt và thực hiện được nó; và thứ hai là tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn vì bao giờ cũng gặp kháng cự, cản trở.

Ông nói: “Tuy nhiên, kinh nghiệm tôi học được là thay đổi là rất quan trọng. Một quốc gia muốn trở nên thịnh vượng phải có cải cách.”

Lời khuyên của cựu Thủ tướng Anh được đưa ra tại hội thảo “Vai trò mới của DNNN nước trong nền kinh tế, kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” với sự có mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, và đại diện các tập đoàn nhà nước lớn.

Ông Blair kể, khi ông còn làm Thủ tướng, đảng đối lập ở Anh cũng hỏi những câu hỏi về cải cách doanh nghiệp nhà nước. “Chẳng hạn như khi chúng tôi tư nhân hóa công ty viễn thông của Anh thì bị phản đối ghê gớm lắm. Tôi phải đứng cả đêm ở Quốc hội để giải trình,” ông kể.

Ông nói, ngay cả ở Anh, hay bất kỳ quốc gia nào, khi bắt đầu tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì có nhiều chống đối ngay từ người lao động và đại diện của họ. Nhưng giờ phần lớn phản kháng đó không còn, vì sau đó người lao động được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo lại từ ông chủ tư nhân mới.

“Giờ mà bảo quốc hữu hóa doanh nghiệp viễn thông Anh thì lại gặp phản đối ngược lại,” ông nói.

Cựu thủ tướng Anh cho biết, việc mở cửa và tư nhân hóa DNNN ở phương Tây trước đây cũng gặp nhiều chống đối, vì mọi người cứ tưởng là đủ rồi, người dân đã có thịnh vượng rồi, thì thay đổi làm gì. Ngay cả đảng chúng tôi cũng đã phản đối, nhưng cuối cùng khi đảng lên nắm quyền đã thực hiện điều đó. Và cuối cùng là có thành công và người dân được hưởng lợi.

Về lời khuyên cho Việt Nam, ông nói, Việt Nam đang hoàn thiện các hiệp định thương mại (FTA) mới, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội mới. Để các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội đó, thì cần có đổi mới, sáng tạo, và tư nhân hóa DNNN là điều quan trọng cho mục tiêu này.

“Trong 20-30 năm qua, quá trình tư nhân hóa DNNN đã diễn ra ở đây. Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp tư nhân đều hiệu quả, không phải là tốt nhất, nhưng nhìn chung, nếu học được cách tư nhân hóa tốt nhất sẽ là hiệu quả,” ông nói.

Ông nói: “thay đổi luôn khó khăn, vì khi thay đổi một hệ thống bao giờ cũng có người không thích sự thay đổi đó, có người tin rằng nếu họ làm việc cho DNNN sẽ ổn định và yên ổn hơn. Tuy nhiên, thời gian cũng đã chứng minh lợi ích sẽ lớn hơn sự phản kháng.”

“Bài học của thế giới, hay ở Anh, là cải cách DNNN đã dẫn tới thu hút nhiều đầu tư FDI, sức mạnh của nền kinh tế… Cải cách bao giờ cũng có chống đối, nhưng chúng ta phải thay đổi,” ông nói.

“Khi tôi còn ở Chính phủ, nếu không có chống đối là cải cách kém, không la hét phản đối cũng phải xem lại, có thể đề xuất đó không hay.”

"Cải cách DNNN thì đồng thời phải cải cách, phát triển khu vực kinh tế tư nhân vì nếu không, đập phá đi rồi, không có gì thay thế lại tạo ra sự hẫng hụt, có những hậu quả nhất định cho kinh tế xã hội. Như vậy,  lực lượng bảo thủ lại trỗi dậy."

Băn khoăn của các học giả Việt Nam

Ông Đinh Văn Ân, trợ lý kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, băn khoăn: trên thế giới, người ta tranh luận như thế nào về vai trò của DNNN trong điều tiết nền kinh tế; và DNNN có được sử dụng như công cụ của nhà nước để can thiệp thị trường, điều tiết nền kinh tế hay không? Các nước có giao cho DNNN chức năng xã hội, như xóa đói giảm nghèo không? Ông Ân nói thêm, Việt Nam đang có ý kiến khác nhau về việc này, như DNNN thì cũng nên như DN khác là làm ra lợi nhuận về kinh tế là chủ yếu.

Ông Tony Blair giải thích, những DNNN như điện, nước gắn bó với nhu cầu thiết yếu của người dân, thì người dân sẽ yêu cầu (chính phủ) làm sao bảo vệ chức năng xã hội của các doanh nghiệp đó. Ông nói: “Nhà nước không nhất thiết bảo hộ bằng sở hữu, như trong môi trường thì có Luật bảo vệ môi trường, tư nhân phải tuân thủ, nên nhà nước không nhất thiết sở hữu mới bảo vệ được. Nhà nước nên bảo vệ bằng luật pháp.”

Chuyên gia Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi, ông Tony Blair đánh giá thế nào về cải cách DNNN ở Nga và TQ? Cải cách DNNN và hiệu quả của DNNN liên quan thế nào tới nhà nước pháp quyền công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Ông Doanh nói thêm rằng việc cổ phần hóa DNNN ở Nga đang gây nhiều tranh cãi.

Ông Tony Blair trả lời: “Tôi nói thẳng, Nga không phải ví dụ tốt để ta học… Tư nhân hóa ở Nga không được tiến hành theo đúng cách thức.” Ông giải thích, đảm bảo minh bạch, trách nhiệm giải trình trong cải cách DNNN là rất quan trọng.

Chuyên gia Trần Đình Thiên đặt câu hỏi, khi các quốc gia phát triển, kinh tế nhà nước thu hẹp lại thì vai trò của nhà nước chuyển từ sở hữu sang quản lý. Vậy, nhà nước sẽ thu hẹp đến mức nào, và quá trình này diễn ra như thế nào?

Ông Blair giải thích, nhà nước sở hữu, hay nhà nước quản lý chưa chắc hiệu quả, nhưng điều tiết lại vô cùng quan trọng. Như ở Anh, trong khủng hoảng tài chính phải quốc hữu hóa ngân hàng, nhưng ý định là rồi sẽ đưa lại tư nhân. Trong 30 năm qua, Anh đều mở cửa hơn, khu vực nhà nước đều sở hữu ít hơn.

Ông nói: “Các nước nào làm theo nguyên tắc đó thì hiệu quả tốt hơn những nước không làm như vậy. Đó là bài học rõ ràng.”

Cổ phần hóa còn chậm

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tới nay còn 800 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, số còn lại đã cổ phần hóa ở các mức độ khác nhau. Tuy vậy, DNNN vẫn được giao quản lý tài sản hết sức lớn, trên 3 triệu tỉ đồng, vốn nhà nước là 1,1 triệu tỉ đồng.

DNNN đang chi phối nhiều ngành lĩnh vực quan trọng như chi phối tới 85% sản lượng xăng dầu, 90% dịch vụ viễn thông, 56% dịch vụ tài chính…, dù số lượng chỉ chiếm 1% tổng số DN cả nước.

Ông Vinh nhận xét, cổ phần hóa, nhìn số lượng thì thành công, nhưng đi sâu thì thấy có vấn đề. Có những tập đoàn lớn cổ phần hóa có 5%.

Ông nghi ngờ: “Nếu chỉ cổ phần hóa có vậy, mà đã xem là đã cổ phần hóa rồi thì có gì thay đổi?”, rồi tự trả lời: “90% vẫn nhà nước thì không có gì thay đổi cả.”

Gút lại buổi hội thảo, Bộ trưởng Vinh thừa nhận quan điểm của ông Tony Blair, là cải cách mà không có phản đối thì không phải cải cách, vì cải cách đó không đụng chạm ai.

Ông Vinh nói: “Đúng là phản đối, mâu thuẫn sẽ làm cải cách tốt hơn. Tôi cho là tất cả chúng ta không phải ngại khi đưa ra quan điểm mới, cách làm mới vì phản đối là chúng ta đang đổi mới. Còn đổi mới mà đưa ra ai cũng gật thì chẳng thể gọi là đổi mới gì cả.”

Nguồn: Thesaigontimes


Tin - Bài khác
Quy định mức thù lao của Quản tài viên
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia gói thầu nào?
Chỉ định thầu rút gọn áp dụng theo quy định mới thế nào?
Trốn thuế sẽ bị phạt tiền, ngồi tù tới 7 năm
10 doanh nhân ảnh hưởng lớn bất động sản Việt năm qua
Nhiều ngân hàng nhỏ sẽ 'thay áo' năm 2015
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Bộ máy nhà nước cần phục vụ doanh nghiệp
Phạt chậm nộp thuế 0,05%/ngày
Vàng và dầu đồng loạt giảm, nhà đầu tư 'nín thở' chờ đợi
Doanh nghiệp không thể chọn cách “hứa hẹn” để đưa khách hàng vào tù
Xin nộp tiền sử dụng đất cũng không dễ
Hiểu thông mới vui vẻ đóng thuế
Vết bỏng 2 triệu đô - Bài học nhớ đời của McDonald's
Kiểm tra đột xuất, lập biên bản vi phạm nhiều “taxi” Uber
Thâu tóm siêu thị, ‘cá mập’ ngoại gặp ‘đá tảng’ tại Việt Nam
Doanh nghiệp tư nhân bị đối xử như "công dân hạng ba"
Một đề nghị cải cách cơ bản: Viết lại Luật Tín dụng và Luật Doanh nghiệp
Doanh nghiệp bỗng dưng nợ thuế
Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sang có thể lên đến 200%
Nhà đầu tư quốc tế săn lùng đất ở Sài Gòn
Tập trung xử lý nợ xấu
“Vòng luẩn quẩn” khó gỡ tại các đại hội cổ đông
9 điểm mới của Luật phá sản 2014
Chế độ về ưu tiên hải quan đối với doanh nghiệp
Không nên quá hoang mang vụ tin đồn táo Mỹ nhiễm độc
Mua dự án 'bánh vẽ', khách hàng ngậm ngùi nuốt 'mật đắng'
Quy định bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có hiệu lực từ 01/03/2015
Sức ép sửa Thông tư 36 và một câu hỏi “nhạy cảm”
Vì sao 'đại gia' Tăng Minh Phụng thất bại đau đớn?
Trang 1 trong 1Đầu tiên    Trước   [1]  Tiếp   Cuối    
LIÊN KẾT WEBSITE
NGƯỜI DÙNG TRỰC TUYẾN
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 19
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 19

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4,431,503