Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, một vùng nguyên liệu mía trọng điểm của khu vực ĐBSCL, nông dân đang lâm vào cảnh ngán ngẩm vì cây mía.
Mía đắng
Ở ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, ông Võ Ngọc Dữ 54 tuổi, ngồi bó gối trong căn nhà lá rách bươm. Hỏi đến cây mía, ông cười chua chát: “Hồi trước còn có cái mà ăn. Bây giờ thì hết đường sống rồi”. Ông kể: Gia đình ông gắn bó với nghề trồng mía nhiều năm. Mỗi năm lợi nhuận lại ít đi, thậm chí lỗ. Ông cắt đất bán ăn dần. Bây giờ chỉ còn hai công đất. Mỗi năm trồng mía ông thu hoạch được 18 tấn. Nhà máy ký hợp đồng thu mua với giá 600 nghìn đồng/tấn. Mỗi năm trồng mía một vụ, hộ ông bán được gần 12 triệu đồng. Trừ tiền giống, phân bón thì coi như…huề vốn, thậm chí lỗ.
Nông dân khổ lắm
Bà Tuyết kể tiếp, 30 năm trồng mía diện tích lớn, gia đình bà cũng chỉ đủ ăn, không dư dật. Trước đây vẫn còn gắng gượng bám trụ được, bây giờ càng ngày càng lay lắt. Cả xã bà ở trước đây bạt ngàn mía, nay người ta đốn bỏ hơn phân nửa, chuyển sang trồng lúa hoặc cây ăn trái. Làm mía cực khổ trăm bề. Đến cuối vụ có lúc dồn ứ, doanh nghiệp không thu mua, nông dân không biết xoay xở thế nào. Chuyện nông dân đốt bỏ mía khi gần cuối vụ năm nào cũng xảy ra. “Hồi trước mía còn được giá, người không ruộng đất có thể mần mía thuê kiếm sống. Nay mía bị đốn bỏ, họ cũng bỏ đi làm thuê đâu biệt xứ” - bà nói bùi ngùi.
Phụng Hiệp trước đây là vùng mía nguyên liệu trọng điểm của vùng ĐBSCL nay đìu hiu. Những cánh đồng mía tít tắp thưa dần. Có nơi nông dân chặt mía, bỏ không đất. Trưởng phòng nông nghiệp huyện Nguyễn Thế Tự ngán ngẩm: “Làm mía bây giờ chua chát lắm. Nông dân may lắm chỉ lấy công làm lời thôi”. Ông kể, có thời điểm cả huyện có đến mười mấy nghìn héc ta mía, rồi cứ teo tóp dần. Có thời điểm nông dân đau lòng phá bỏ hơn 1.200ha mía một lúc. Vụ mía mới, cả huyện chỉ xuống giống hơn 7.000 ha mía, hàng loạt ruộng mía tiếp tục bị san bằng nhường chỗ cho cây khác. Điệp khúc trồng chặt lặp đi lặp lại. Ngành nông nghiệp nhiều năm đau đáu, chưa thể tìm ra hướng để người dân sống được với cây mía.
Giá mía 700 đồng/kg, giá đường 15.000 đồng/kg, gấp hơn 20 lần giá nguyên liệu. Tại sao giá đường Việt Nam đắt nhất nhì thế giới mà nông dân vẫn khổ? Câu trả lời nằm ở những con số lợi nhuận khủng khiếp của doanh nghiệp. Rõ ràng, bảo hộ đường trong nước là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp đường không sòng phẳng, chèn ép người trồng mía. Phần lợi nhuận của nông dân đang bị “cắt ngọn”, rơi vào tay các nhà máy đường.
Nguồn: Internet
4,272,557
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn