Sáng 9-4, một ôtô chở dưa ùn ứ tại cửa khẩu trên Lạng Sơn, không đưa được sang biên giới Trung Quốc, đã được Bộ Công thương đưa về bán tại trụ sở của bộ. Liệu đây có phải là giải pháp tốt cho việc giải quyết đầu ra đối với dưa hấu nói riêng, nông sản nói chung?
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải - cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - cho biết trước tình hình ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu ở Lạng Sơn, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với công đoàn bộ đã mua một xe dưa hấu bị ùn ứ tại cửa khẩu, đem về bán tại trụ sở của bộ nhằm chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, thương lái VN.
Nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ
Theo ông Hải, 19 tấn dưa hấu đã được nhân viên của bộ tình nguyện bốc dỡ và đã bán gần hết chỉ trong buổi sáng 9-4. Không chỉ công chức Bộ Công thương mà nhiều cơ quan khác, cả trường đại học đã tham gia mua hỗ trợ.
Ông Hải cho rằng việc bày tỏ sự chia sẻ lúc này là cần thiết. “Nếu các cơ quan khác cũng đều có hành động tương tự như Bộ Công thương sẽ giúp giảm ách tắc trên cửa khẩu” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Dương Thái, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết tình trạng ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có thể sẽ tiếp diễn cả những năm sau nếu như chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu một cách tự phát như lâu nay.
Theo ông Thái, hiện mỗi ngày có khoảng 800 xe dưa hấu đổ dồn về phía cửa khẩu Tân Thanh chờ xuất sang Trung Quốc, trong khi năng lực nhập khẩu ở cửa khẩu phía bạn chỉ được non nửa, khoảng 250-300 xe.
Thực tế, mỗi xe dưa hấu sau khi được xuất qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ sang chợ Pò Chài, Trung Quốc. Tại đây, phía Trung Quốc sẽ lựa chọn dưa từ từng xe, lau vỏ và đóng thùng. Việc xử lý này mất khoảng 2-3 giờ/xe. Do đó, mỗi ngày lượng hàng tồn nằm chờ để xuất hàng sang Trung Quốc 400- 500 xe.
Ông Thái cũng giải thích thêm dưa hấu là mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch, không có hợp đồng thương mại, cũng không có cam kết cụ thể giữa người mua và người bán. Đây cũng là lý do khiến chủ hàng gặp rất nhiều rủi ro khi tồn đọng hàng số lượng lớn, giá cả bấp bênh.
Để hỗ trợ chủ hàng, ông Vi Công Tường - phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - cho biết cơ quan này và biên phòng tại Tân Thanh phối hợp kéo dài thời gian thông quan từ 7g-21g hằng ngày, đến khi bên Trung Quốc không nhận nữa mới thôi để giải quyết tối đa lượng dưa hấu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng phân luồng để ngăn chặn tình trạng ùn tắc, lộn xộn đường vào cửa khẩu Tân Thanh. Các xe dưa chưa xuất khẩu được sẽ đậu dọc từ ga Đồng Đăng đến quốc lộ 1. Khi nào trong cửa khẩu có khả năng tiếp nhận được mới tiếp tục cho xe vào.
Phải liên kết sản xuất, đa dạng thị trường tiêu thụ
Ông Đào Văn Hồ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Bộ NN&PTNT, cho rằng hiện tượng nông sản ế ẩm và rớt giá chủ yếu do bà con còn sản xuất theo phong trào mà chưa theo nhu cầu thị trường.
“Không chỉ vải, dưa hấu mà còn nhiều loại cây khác có tình trạng như vậy, như gần đây có phong trào chặt cao su trồng hồ tiêu, rồi trồng cây mắc ca ồ ạt mà chưa biết tiêu thụ ở đâu, ai ăn, bán cho nước ngoài thì bán như thế nào...” - ông Đào Văn Hồ nói.
Ông Đào Văn Hồ cũng cho biết muốn phát triển bền vững phải liên kết bốn “nhà”, trong đó có phối hợp giữa nông dân và doanh nghiệp, doanh nghiệp mới đi tìm, đánh giá nhu cầu thị trường; còn nông dân chỉ có thể bán cho thương lái và trong thời điểm được mùa, giá sẽ hạ và nông dân sẽ thiệt thòi.
“Tôi được biết đã có những mô hình hợp tác xã tiêu thụ tỏi, rau má... làm khá tốt, họ tiêu thụ cho người sản xuất và ký hợp đồng với doanh nghiệp. Có như vậy sản xuất mới ổn định” - ông Đào Văn Hồ nói.
Một lãnh đạo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu hiện nay là do thương lái không trả tiền nông dân trước mà bán xong mới trả tiền. Khi hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn vượt quá khả năng thông quan hằng ngày của cửa khẩu, lúc đó giá dưa hấu tại ruộng hạ thấp mà thị trường Hà Nội và các địa phương vẫn phải mua giá cao.
“Các địa phương nên có điều phối và cung cấp thông tin để người dân đa dạng hóa địa chỉ bán nông phẩm, đồng thời nên hỗ trợ người dân như một cầu nối tiêu thụ nông phẩm” - vị này nói.
Một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để giúp nông dân mở rộng thị trường, tránh tình trạng hàng sản xuất ra không bán được. Chẳng hạn VN đã tiếp xúc, vận động để đưa nhãn, vải, trái cây VN vào Úc, Singapore; thúc đẩy xuất khẩu thanh long, vải vào Mỹ; các loại trái cây VN vào Nhật, châu Âu...
Tuy nhiên theo vị này, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường bởi cơ quan nhà nước không đủ người để “bao cấp”, đi tìm thị trường rồi chỉ cho doanh nghiệp như trước. Cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò mở cửa thị trường bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, hạn chế hàng rào thuế quan và phi thuế, cung cấp thông tin... Còn việc tìm đối tác để tiêu thụ sản phẩm là trách nhiệm của chính doanh nghiệp.
Theo TTO
Nguồn: Internet
4,266,624
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn