Bộ Y tế vừa công bố trên website dự thảo thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của bộ này. Tuy nhiên, ngay sau đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan chức năng đã có ý kiến phản ứng với dự thảo.
Cụ thể, dự thảo thông tư mới yêu cầu doanh nghiệp phải “thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” tại Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố được chỉ định.
Một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu nông sản tại quận 1, TPHCM xin được giấu tên cho rằng Bộ Y tế nên bãi bỏ thủ tục hành chính yêu cầu phải thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu tại Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố được chỉ định vì sẽ thêm nhiều thủ tục trung gian, tốn nhiều thời gian.
Nếu áp dụng thông tư này, hàng sẽ ùn ứ, lưu trữ ở cảng lâu ngày làm giảm chất lượng. Điều này liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp và đi ngược lại với xu thế tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang yêu cầu thực hiện.
Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản khác tại Cà Mau cũng cho hay, quy định mới này trái với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, cơ quan cấp thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu là cơ quan kiểm tra đối với từng lô hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, Nghị định 38/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã nêu rõ: Bộ Y tế chỉ có trách nhiệm “kiểm tra và cấp thông báo kết quả kiểm tra cho lô hàng nhập khẩu nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai bộ trở lên” chứ không phải là cơ quan kiểm tra theo quy định của luật.
Giải thích về việc đưa ra dự thảo này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế, cho rằng do đợt kiểm tra an toàn thực phẩm về hàng xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay phát hiện rất nhiều vi phạm nên Cục An toàn thực phẩm muốn siết chặt hơn công tác quản lý. Hơn nữa, hiện Cục An toàn thực phẩm đã xử lý hồ sơ bằng điện tử, doanh nghiệp gửi hồ sơ có thể giải quyết trong ngày nên thời gian chờ đợi làm hồ sơ thủ tục không lâu.
Tuy nhiên, những cơ quan trực tiếp thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu cũng lên tiếng về vấn đề này.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng, khi bộ hoặc cục đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật với mục đích nhằm đảm bảo hàng hóa đạt yêu cầu, thì sẽ tạo thêm thủ tục, thêm yêu cầu đối với doanh nghiệp, và đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian, công sức cho doanh nghiệp. Vậy, nhà nước phải xem xét vấn đề này thật kỹ.
Một chuyên viên của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, quy định hiện hành đã chỉ rõ về việc phân công trách nhiệm: Bộ Y tế chỉ có trách nhiệm “kiểm tra và cấp thông báo kết quả kiểm tra cho lô hàng nhập khẩu các loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai bộ trở lên”, chứ không phải là cơ quan kiểm tra theo quy định của luật.
Nếu những quy định trái luật và không phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của Bộ Y tế trong dự thảo thông tư như trên được thông qua sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và làm rối rắm, phức tạp thêm quy định trong lĩnh vực này.
Đây là điều không phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP ban hành tháng 3-2015 vừa qua về yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để nâng vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hàng năm.
Hiện nay, theo Báo cáo kinh doanh của WB, trong số 189 nền kinh tế được đánh giá và xếp loại năm 2014, Việt Nam xếp thứ 75 về chỉ số thương mại qua biên giới – chỉ số nhằm so sánh mức độ thuận lợi khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển. Thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu của Việt Nam hiện còn 21 ngày, cao hơn gấp 5 lần so với Singapore (4 ngày), gần 3 lần so với Malaysia (8 ngày) và gần 2 lần so với Thái Lan (13 ngày).
Hoàng Nhung
Nguồn: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
4,266,683
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn