Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư”.
BLTTHS hiện hành cũng có nhiều quy định về quyền tham gia tố tụng, quyền bào chữa của luật sư.
Luật là vậy nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi vẫn xảy ra việc cản trở hoạt động nghề của luật sư từ phía cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra nhưng pháp luật lại chưa có quy định để xử lý trách nhiệm của người vi phạm một cách cụ thể. Từ trước tới nay hầu như chưa có trường hợp nào mà cán bộ tố tụng bị kỷ luật vì chuyện này, cùng lắm chỉ là “nhắc nhở, rút kinh nghiệm”.
Hiện tượng xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp của luật sư trong tố tụng vẫn đang là một vấn đề gây bức xúc trong giới luật sư. Ở bất cứ hội thảo, hội nghị nào của giới luật sư từ năm này qua năm khác, vấn đề này đều được các luật sư nêu ra nhưng rồi tình hình cũng không có gì cải thiện.
Theo báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính từ tháng 9-2009 đến ngày 31-12-2014, Liên đoàn Luật sư đã nhận được 167 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư. Phần lớn các đơn này phản ánh và đề nghị Liên đoàn can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư bị cản trở từ phía cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng.
Một số vụ việc điển hình như trường hợp luật sư Lê Quang Y (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) bị cán bộ điều tra, cán bộ trại giam ngăn cản trái pháp luật việc gặp bị can, bị cáo. Hoặc trường hợp của luật sư Đỗ Ngọc Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bị VKS từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa vì lý do bị can chưa có ý kiến về việc đề nghị luật sư bào chữa, trong khi vợ bị can đã có giấy yêu cầu mời luật sư...
Trong các trường hợp này, do Liên đoàn Luật sư đã có văn bản đề nghị kịp thời và kiên quyết nên sau đó CQĐT, lãnh đạo trại giam, VKS đã khắc phục sai sót, tạo thuận lợi cho các luật sư tác nghiệp hợp pháp. Nhưng điều đáng nói là những cán bộ đã gây khó khăn, cản trở hoạt động hành nghề của các luật sư trước đó đều không bị xử lý gì cả.
Đó là chưa kể con số thống kê nói trên của Liên đoàn Luật sư chỉ là phần nổi, bởi thực tế có rất nhiều trường hợp luật sư bị làm khó đã không nhờ Liên đoàn can thiệp mà tự tìm cách giải quyết. Có thể họ không muốn làm to chuyện vì sợ thân chủ bị “ghét”, cũng có thể họ không muốn làm cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng mất lòng vì còn phải lui tới cơ quan tố tụng nhiều, trong những vụ án khác.
Trong xu hướng cải cách tư pháp ngày nay, khi mà Hiến pháp 2013 đã khẳng định bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì vai trò của luật sư trong tố tụng ngày càng quan trọng. Đã có rất nhiều ý kiến, kể cả của các đại biểu Quốc hội cho rằng việc luật sư tham gia tố tụng ngay từ đầu sẽ giúp giảm oan sai, chống bức cung, dùng nhục hình. Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) nghiên cứu bổ sung thêm tội “cản trởhoạt động hành nghề của luật sư”. Đây sẽ là một “liều thuốc mạnh” để trị các hành vi cản trở luật sư, xâm phạm đến quyền bào chữa, quyền được bảo vệ hợp pháp và chính đáng của bị can, bị cáo.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Nguồn: Pháp luật Tp.HCM
4,269,567
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn